Nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn cho công nhân xây dựng |
Xây dựng là ngành phải làm việc trong không gian rộng, điều kiện về địa hình cũng như thời tiết khác nhau. Người lao động thường làm việc ở trên cao, tiếp xúc với nhiều loại máy móc, thiết bị chuyên dùng và có nhiều nguy cơ xảy ra mất an toàn, vệ sinh lao động dẫn đến chết người hoặc thương tật suốt đời.
Nhiều công trình khi đang thi công đã gây ra tai nạn như công trình cầu An Hải (Tuy An), tai nạn xảy ra vào ngày 11/2/2011, khi xe cẩu của Công ty TNHH một thành viên Thanh Châu do tài xế Lê Văn Huynh điều khiển, vừa nổ máy đưa xe vào công trường thì bất ngờ xảy ra sự cố làm cần cẩu quay ra phía đường đập vào một xe máy đang lưu thông. Vụ tai nạn đã làm người điều khiển xe máy là chị Võ Thị Tuyết Nhung, SN 1970, ở thôn 8, xã An Ninh Đông, tử vong khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và làm hai người ngồi sau bị thương…Và mới đây vào khoảng tháng 6/2012, khi đang thi công nhà bà N. T. T ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, một nhóm công nhân đã bị té ngã từ lan can tầng hai của ngôi nhà do đoạn lan can này bất ngờ đổ sập trong khi giàn giáo bên dưới lại không vững. Tuy không xảy ra án mạng nhưng vụ tai nạn cũng là nỗi ám ảnh của cả chủ nhà và công nhân.
Dạo quanh các công trình đang thi công ở các đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… tại TP Tuy Hòa, chúng tôi thấy các biện pháp an toàn được thực hiện khá lỏng lẻo. Người đi đường gần như phải hứng chịu bụi kèm theo nguy cơ vạ lây từ các công trình này tạo ra. Dù có lưới che chắn thì đó cũng chỉ là những tấm nhựa hay những miếng lưới không đủ ngăn cát, gạch có thể rơi ra bên ngoài bất cứ lúc nào. Chị Đặng Thị Thạnh, phường Phú Lâm bức xúc: “Đi qua các công trình này mà lòng cứ thấp thỏm lo âu không biết gạch sẽ rơi trúng đầu lúc nào. Nhất là những nhà đang đập phá để xây lại, bụi bay mù mịt, rất nguy hiểm cho người đi đường”.
Ở Phú Yên, hiện có hàng trăm công trình xây dựng lớn nhỏ đang trong quá trình triển khai thi công nhưng các nhà thầu thi công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn công trình cũng như người lao động. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, điểm thiếu sót nhiều nhất ở các công trình hiện nay đó là không có lưới che chắn khu vực thi công đảm bảo; vật tư, phế thải xây dựng rơi vãi gây nguy hiểm cũng như lưới bảo hiểm đề phòng tai nạn trên cao. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính công nhân đang làm việc trên công trường mà còn ảnh hưởng và tiềm ẩn nhiều tai nạn cho người dân xung quanh.
Đối với nhà cao tầng, sử dụng giàn giáo vững chắc là vô cùng quan trọng. Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, nhà từ ba tầng trở lên phải dùng dây thừng giằng về bốn hướng hoặc gá vào phía có kết cấu vững chắc, dùng lưới bảo hiểm khi chống nhiều tầng giáo. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn còn hiếm thấy ở các công trình hiện nay, đặc biệt là những công trình xây nhà ở dân dụng.
Cần nâng cao nhận thức cho chủ và thợ
Nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết thêm về an toàn, vệ sinh lao động trên công trình của các nhà thầu cũng như người lao động, mới đây Sở Xây dựng đã tổ chức lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để người lao động được tìm hiểu nhiều hơn các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc. Ông Ngô Điền, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Phú Yên cho biết: “Chúng tôi là những lao động chính để nuôi sống gia đình nên việc đảm bảo an toàn trên công trường là vô cũng cần thiết. Ai cũng muốn giữ cho mình sức khỏe cũng như hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng nhiều lúc do điều kiện công việc và thói quen lâu nay nên việc trang bị đầy đủ dụng cụ như mũ bảo hộ, giầy, khẩu trang… vẫn còn chưa thực hiện đầy đủ lắm. Đợt tập huấn này là dịp để chúng tôi nhận thức rõ về tầm quan trọng của các biện pháp an toàn, vệ sinh tại công trường”.
Ngoài việc phải nâng cao ý thức của người lao động và các nhà thầu, theo ông Nguyễn Đặng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Hiệp Hòa, để giảm thiểu tai nạn lao động cũng như an toàn tại các công trình xây dựng, nhà thầu cũng cần cải thiện được điều kiện làm việc cho công nhân cũng như trang bị các dụng cụ an toàn cần thiết. Người công nhân xây dựng hiện nay gần như gắn với giàn giáo nên việc đảm bảo giàn giáo thi công đạt chất lượng là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị thi công để hạn chế rủi ro xảy ra. Nhà thầu thường xuyên kiểm tra điều kiện làm việc tại công trường để có những biện pháp xử lý kịp thời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét