Hầu như tất cả các công trình xây dựng giao thông hay dân dụng đều có những tấm biển “An toàn là trên hết”. Tuy nhiên, đằng sau những tấm bảng ấy, điều kiện làm việc cũng như việc chấp hành các vấn đề an toàn trong quá trình lao động của công nhân vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Cảnh báo mất an toàn trên các công trường xây dựng
Cảnh báo mất an toàn trên các công trường xây dựng
Mới đây, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại gói thầu 1B thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã khiến 2 công nhân bị thiệt mạng. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc BQLDA đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, nguyên nhân của vụ tai nạn trên là do một chiếc xe cẩu lưu thông ở dưới đường dẫn thì bị hỏng. Trong quá trình sửa chữa, cần cẩu của xe bị xoay va vào một tảng đá ở trên cầu cạn rơi xuống trúng vào 2 công nhân ở dưới.

Vụ tai nạn trên theo ông Hùng là một sự cố rủi ro. Tuy nhiên, vào tháng 7/2012, đoàn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu kiểm tra tiến độ dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dâu Giây đã cảnh báo những bất cập trong công tác đảm bảo ATLĐ ở đây. Những công nhân làm việc trên công trình mỗi người mặc một kiểu quần áo, không có giày bảo hộ lao động mà đi toàn dép lê. Thậm chí có người còn mặc đồ ngủ để đi làm. Những dây điện phục vụ thi công được thả la liệt trên công trường. “Thi công đường cao tốc là một công trình hiện đại như thế mà tính nông nghiệp vẫn còn”, một đại biểu nói.

Với những công trình vừa thi công vừa khai thác, ngoài vấn đề ATLĐ thì việc bảo đảm ATGT là một điều cực kỳ quan trọng nhưng rất ít được các nhà thầu quan tâm. Tuyến QL51 chạy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày bắt đầu tiến hành đầu tư nâng cấp mở rộng là một điểm nóng về TNGT. Từ đầu đến cuối công trình các nhà thầu chỉ cắm cọc, chằng dây một cách đối phó. Đã có rất nhiều vụ tai nạn do người đi đường bị va vào vật liệu xây dựng để trên đường hoặc ngã xuống những hố do đơn vị thi công đào đường.

Hay như trên công trường thi công tỉnh lộ 10 từ TP.HCM đi Long An, mặc dù đi qua địa bàn dân cư rất đông đúc nhưng trên công trường ngổn ngang sắt, đá, cống thoát nước... rất nguy hiểm cho người đi đường.

Với các công trình thi công do các nhà thầu nước ngoài thực hiện thì vấn đề bảo đảm ATLĐ, ATGT rất được chú trọng. Tại công trình thi công đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với chiều dài trên 13km do Công ty GS Engineering & Construction (GS E&C) - Hàn Quốc chịu trách nhiệm thi công, hầu như trên toàn tuyến nhà thầu đều rào chắn bằng song sắt và tôn chắn để không có sự xâm nhập từ bên ngoài vào công trường gây mất an toàn.

Hay như trên công trường dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải do 2 liên danh nhà thầu của Nhật Bản là Toa - Toyo và Penta-Rinkai đảm nhận đều thấy sự chuyên nghiệp của họ trong tổ chức thi công. Tất các công nhân làm việc trên công trường đều có đồng phục chỉnh tề từ mũ bảo hộ, áo, giày, đến cả khăn chống nắng... “Ngoài chế độ tiền lương thì việc đảm bảo các điều kiện lao động cho cán bộ, công nhân tại công trường là yếu tố quan trọng để giúp họ gắn bó lâu dài với công ty”, đại diện nhà thầu Toa - Toyo cho biết. Đây là những kinh nghiệm quý mà các nhà thầu Việt Nam cần học hỏi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét