Làm gì để giảm thiểu tai nạn lao động |
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng tại Hội thảo Thúc đẩy văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Còn "thờ ơ" với tính mạng của mình
Theo thống kê của các Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2005-2010, cả nước đã có trên 30.000 người bị tai nạn lao động (TNLĐ) và trên 4.000 người chết vì TNLĐ. Thực tế, số vụ TNLĐ và số người chết còn cao hơn nhiều do có những trường hợp TNLĐ bị doanh nghiệp che giấu, không khai báo. Theo dự báo, giai đoạn 2010-2015, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 170.000 người bị TNLĐ với 1.700 người chết, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hàng năm cũng sẽ tăng trên 1.000 người; thiệt hại ước tính sẽ trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đáng quan tâm, nguyên nhân gia tăng số vụ TNLĐ là do người lao động còn thờ ơ với tính mạng của mình, thiếu ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, thường xuyên vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng không đánh giá đúng nguy cơ TNLĐ tiềm ẩn, không có đầy đủ thông tin về điều kiện lao động. Vì thế thiếu cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm cho người lao động.
Nhiều trường hợp khác mặc dù ý thức được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động nhưng lại không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; không quan tâm cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động; chưa có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định bảo hộ lao động hoặc nếu có cũng mang tính hình thức, đối phó. Thêm vào đó, việc thiếu sự kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ TNLĐ nghiêm trọng cộng với chế tài xử phạt chưa đủ mạnh cũng dẫn tới tình trạng người sử dụng lao động và người lao động cố ý không tuân thủ các quy định về an toàn lao động.
Xây dựng văn hóa ATVSLĐ cho cộng đồng
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không còn là vấn đề quốc gia mà đã trở thành vấn đề quốc tế, thu hút sự quan tâm của toàn cầu - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh khẳng định. Hiện Việt Nam đã xây dựng Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu phòng ngừa tối đa và giảm tần suất TNLĐ, nhất là những ngành nghề có độ rủi ro cao; giảm tỷ lệ doanh nghiệp và nơi làm việc có điều kiện lao động xấu; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, của người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ.
Việt Nam đang xem xét việc phê chuẩn Công ước số 187 của Tổ chức Lao động quốc tế về cơ chế thúc đẩy ATVSLĐ. Trong đó, việc xây dựng và duy trì văn hóa ATVSLĐ mang tính phòng ngừa và tiếp cận các hệ thống quản lý ATVSLĐ ở cấp quốc gia là nguyên tắc cơ bản và trọng tâm của chiến lược ATVSLĐ toàn cầu. Muốn vậy, ngay từ bây giờ các ngành, địa phương, doanh nghiệp và chính người lao động cần có sự hợp tác để cùng nhau thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc… Văn hóa an toàn sẽ là nhân tố thúc đẩy sự cam kết và cùng hợp tác của các bên thông qua sự nhận thức rõ rệt về trách nhiệm và sự tự giác trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn cao về ATVSLĐ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét